Y HỌC CỔ TRUYỀN VÀ ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE

Thứ tư - 22/06/2022 15:51
A. BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE THEO Y HỌC HIỆN ĐẠI
I. ĐẠI CƯƠNG
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do vi rút Dengue gây nên. Vi rút Dengue có 4 týp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu.
Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
II. CHẨN ĐOÁN VÀ PHÂN ĐỘ
1. Bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ (theo Tổ chức Y tế thế giới năm 2009)
- Sốt xuất huyết Dengue.
- Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo.
- Sốt xuất huyết Dengue nặng.
Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy khi thăm khám cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.
Phân độ SXHD SXHD có dấu hiệu cảnh báo SXHD nặng
Triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng Sống/đi đến vùng có dịch. Sốt ≤ 7 ngày và có 2 trong các dấu hiệu sau:
- Buồn nôn, nôn.
- Phát ban.
- Đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.
- Xuất huyết da hoặc dấu hiệu dây thắt (+).
- Hct bình thường hoặc tăng.
- Bạch cầu bình thường hoặc giảm.
- Tiểu cầu bình thường hoặc giảm.
Ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau
- Vật vã, lừ đừ, li bì.
- Đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau vùng gan.
- Nôn ói nhiều ≥ 3 lần/1 giờ hoặc ≥ 4 lần/6 giờ.
- Xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc có máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.
- Gan to > 2cm dưới bờ sườn.
- Tiểu ít.
- Hct tăng kèm tiểu cầu giảm nhanh.
- AST/ALT ≥ 400U/L*.
- Tràn dịch màng phổi, màng bụng trên siêu âm hoặc Xquang *.
Ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau
1. Thoát huyết tương nặng dẫn tới
- Sốc SXHD, sốc SXHD nặng.
- Ứ dịch, biểu hiện suy hô hấp.
2. Xuất huyết nặng
3. Suy các tạng
- Gan: AST hoặc ALT ≥ 1000U/L.
- Thần kinh trung ương: rối loạn ý thức.
- Tim và các cơ quan khác.
2. Chẩn đoán phân biệt
- Sốt phát ban do vi rút.
- Tay chân miệng.
- Sốt mò.
- Sốt rét.
- Nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn, não mô cầu, vi khuẩn gram âm, ...
- Sốc nhiễm khuẩn.
- Các bệnh máu.
- Bệnh lý ổ bụng cấp,...
III. ĐIỀU TRỊ
1. Điều trị sốt xuất huyết Dengue
Phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời.
1.1. Điều trị triệu chứng
- Nếu sốt cao ≥ 38,5°C, cho thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm.
- Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ.
1.2. Bù dịch sớm bằng đường uống:
Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, ...) hoặc nước cháo loãng với muối.
- Không ăn uống những thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, sô cô la,...
- Lượng dịch khuyến cáo: uống theo nhu cầu cơ bản, khuyến khích uống nhiều.
1.3. Theo dõi
a) Tái khám và làm xét nghiệm hàng ngày. Nếu xuất hiện dấu hiệu cảnh báo cho nhập viện điều trị.
b) Người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:
- Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.
- Không ăn, uống được.
- Nôn ói nhiều.
- Đau bụng nhiều.
- Tay chân lạnh, ẩm.
- Mệt lả, bứt rứt.
- Chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo.
- Không tiểu trên 6 giờ.
- Biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì.
II. Điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo: Người bệnh được cho nhập viện điều trị.
1. Điều trị triệu chứng: hạ sốt
2. Bù dịch sớm bằng đường uống nếu bệnh nhân còn khả năng uống được.
3. Theo dõi mạch, HA, những dấu hiệu cảnh báo, lượng dịch đưa vào, nước tiểu và Hct mỗi 4-6 giờ.
4. Chỉ định truyền dịch:
a) Khi có ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau
- Lừ đừ.
- Không uống được nước.
- Nôn ói nhiều.
- Đau bụng nhiều.
- Có dấu hiệu mất nước.
- Hct tăng cao.
b) Dịch truyền bao gồm: Ringer lactate, NaCl 0,9%.
B. BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE THEO Y HỌC CỔ TRUYỀN
   1. Y học cổ truyền xếp bệnh Sốt xuất huyết vào nhóm Ôn bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiệt tà tác động vào Vệ, Khí, Dinh, Huyết.
    2. Nguyên tắc điều trị cơ bản của Y học cổ truyền là: thanh nhiệt giải độc lương huyết, chỉ huyết.
     Thuốc y học cổ truyền có tác dụng điều trị Sốt xuất huyết Dengue ở mức độ Sốt xuất huyết Dengue đạt hiệu quả cao. Còn ở mức độ nặng hơn thì phải điều trị trên cơ sở y học hiện đại, ở giai đoạn này việc kết hợp điều trị với y học cổ truyền sẽ có tác dụng giảm các biến chứng, hồi phục nhanh và tốt hơn so với điều trị đơn thuần bằng y học hiện đại.
      Tuy nhiên, người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám, hướng dẫn cách điều trị, cách sử dụng thuốc và theo dõi sức khỏe.
II. ĐIỀU TRỊ KẾT HỢP Y HỌC HIỆN ĐẠI VÀ Y HỌC CỔ TRUYỀN
Tùy theo từng giai đoạn của Sốt xuất huyết Dengue, có thể kết hợp Y học hiện đại và Y học cổ truyền trong điều trị nhằm đạt được hiệu quả cao và an toàn trong điều trị cho người bệnh.
1. Sốt xuất huyết Dengue:
1.1. Nguyên tắc điều trị
Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ huyết, nâng cao thể trạng.
a) Nếu mới chỉ có sốt cao (chưa có xuất huyết):
Pháp điều trị: sơ biểu, thanh nhiệt, giải độc.
Bài thuốc :
Lá dâu 15g Cúc hoa 12g
Bạc hà 12g Hoa mướp 20g
Mật ong 20g    
Các vị thuốc tán nhỏ, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, hòa mật ong uống thay trà trong ngày.
b) Nếu đã có xuất huyết:
Pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc, lương huyết, chỉ huyết
Bài thuốc :
Lá cúc tần 12g
Cỏ nhọ nồi 16g
Mã đề 16g
Lá sen tươi 20g
Lá dâu 16g
Rau má 16g
Lá tre 16g
Gừng tươi 3 lát
Một số vị thuốc có thể dùng tươi: Cỏ nhọ nồi, Trắc bách diệp, Lá sen, Rau má.
Cách dùng: cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.
Các bài thuốc trên điều trị cho trẻ em liều dùng như sau:
- Trẻ em từ 6 - 14 tuổi: Liều 1/2 liều người lớn
- Trẻ em 15 tuổi trở lên: liều bằng liều người lớn
- Trẻ còn bú mẹ đến 5 tuổi chuyển sang truyền nhiễm nhi điều trị.
2. Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo:
 Nguyên tắc điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo
        Người bệnh nhập viện điều trị theo phác đồ YHHĐ, có thể điều trị hỗ trợ bằng thuốc YHCT dưới sự theo dõi của thầy thuốc.
3. Sốt xuất huyết Dengue nặng:
 Nguyên tắc điều trị sốt xuất huyết Dengue nặng
         Người bệnh phải được điều trị cấp cứu theo phác đồ y học hiện đại tại các cơ sở y tế đáp ứng đủ điều kiện.
IV. ĐIỀU TRỊ GIAI ĐOẠN PHỤC HỒI VÀ CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG
1. Điều trị giai đoạn phục hồi:
Thời kỳ này chủ yếu nghỉ ngơi và nâng cao thể trạng, phục hồi sức khỏe. Thuốc Y học cổ truyền có tác dụng nâng cao thể trạng phục hồi sức khỏe.
Bài thuốc: Bổ trung ích khí thang
Đảng sâm 16g Thăng ma 08g
Bạch truật 12g Cam thảo 06g
Trần bì 08g Đương qui 12g
Hoàng kỳ 12g Sài hồ 10g
2. Ăn uống khi người bệnh bị Sốt xuất huyết Dengue:
- Khi đang có sốt cao: Cần ăn các thức ăn lỏng dễ tiêu như: sữa, nước cháo đường, nước chanh, nước sắn dây… nhằm mục đích đưa chất dinh dưỡng vào cơ thể và kết hợp với thuốc bồi phụ nước và điện giải.
- Khi bệnh đã lui, cần ăn cháo đặc hơn, hoặc cơm nát, sau đó chuyển sang chế độ ăn bình thường./.
 

Nguồn tin: Bs.CKI. Đặng Thị Minh Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Chúng tôi trên mạng xã hội

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ : BỆNH VIỆN Y HỌC CỔ TRUYỀN TỈNH BẾN TRE (BỆNH VIỆN TRẦN VĂN AN)
[X]
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây